Ổn áp giúp ổn định nguồn điện và nâng cao tuổi thọ của các thiết bị điện trong gia đình, văn phòng, công ty. Cùng Điện máy XANH xem ngay vì sao phải dùng ổn áp và 5 lý do nên mua ổn áp trong bài viết dưới đây nhé!
1 Ổn áp là gì?
Ổn áp là thiết bị điện dùng để ổn định và giữ điện áp đầu ra sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng hoặc đáp ứng đúng điện áp sử dụng của các thiết bị điện, nhờ đó giúp cho các thiết bị điện được hoạt động ổn định và tránh làm giảm tuổi thọ.
Ổn áp có tên gọi tiếng Anh là Voltage stabilizer, ngoài chức năng chính là ổn định điện áp, một số sản phẩm còn được trang bị thêm nhiều chức năng khác giúp tăng cường độ an toàn trong quá trình sử dụng như bảo vệ quá áp, bảo vệ quá mạch,…
2 Nguyên lý hoạt động của ổn áp
Tùy theo mỗi loại ổn áp mà nguyên lý hoạt động có chút khác biệt. Chẳng hạn, các loại ổn áp trên thị trường hiện nay thường hoạt động theo 1 trong 5 nguyên lý như sau:
- Sử dụng biến áp và tụ điện.
- Sử dụng biến áp xung cùng mạch điện tử.
- Sử dụng biến áp phối hợp chuyển mạch rơ-le.
- Sử dụng biếp áp bù kết hợp với biến áp xuyến (có chổi than hoặc linh kiện bán dẫn IGBT).
- Sử dụng biến áp xuyến phối hợp với chổi than để lấy điện áp ra trực tiếp.
Để hình dung nguyên lý hoạt động của ổn áp, Điện máy XANH chia sẻ cho bạn về hình thức hoạt động của nguyên lý sử dụng biến áp xuyến với động cơ chổi than ngay dưới đây:
Bên trong máy ổn áp thường có 1 biến áp hình xuyến được quấn dây điện từ. Trên bề mặt của cuộn dây này có gắn chổi than - nó sẽ làm nhiệm vụ trượt lấy điện áp của từng vòng dây.
Khi nhận thấy điện áp đầu ra thấp (hoặc cao), mạch điều khiển sẽ điều lệnh cho mô-tơ hoạt động. Lúc này, mô - tơ sẽ quay thuận hoặc quay ngược để lấy điện áp ở vòng dây trên biến áp hình xuyến.
Nếu điện áp đầu ra đủ 220V (theo mạng lưới điện phổ biến tại Việt Nam) thì mạch so sánh sẽ bắt đầu ra lệnh cho mô - tơ dừng lại.
Mất điện, chổi than trên cuộn dây sẽ tự động trở về vị trí an toàn, tương ứng với điện áp vào cao để không bị cộng dồn điện áp khi có điện trở lại trong việc ổn định điện áp lần kế tiếp.
3 Vì sao phải sử dụng ổn áp?
Ổn định và cải thiện điện áp nguồn
Thực tế, một số khu vực hiện nay cũng thường diễn ra tình trạng mạng lưới điện hoạt động không ổn định (thường xuyên thay đổi).
Vì thế, máy ổn áp có thể giúp ổn định và đáp ứng được dải điện đa dạng như 90V - 250V, 140V - 250V,… hoặc 60V - 250V, tạo ra hệ thống điện an toàn cho gia đình, công ty và nhà xưởng.
Bảo vệ quá dòng
Ổn áp có thể tự ngắt điện khi xảy ra tình trạng quá tải, đoản mạch bằng Circuit Breaker (CB), nhờ đó tránh được hiện tượng bị chập cháy, gây hỏa hoạn.
Bảo vệ quá áp
Ổn áp cũng có thể tự động cắt điện áp khi gặp phải sự cố điện áp đầu ra vượt quá cao - vượt quá dải điện áp hoạt động mà máy ổn áp hỗ trợ, nhờ đó bảo vệ tốt các thiết bị điện sử dụng. Sau đó, ổn áp sẽ tự động đóng điện trở lại khi hết xảy ra sự cố quá áp.
Chống sốc điện
Với chức năng Auto-reset (hệ thống Delay) sẽ giúp máy ổn áp có thể tự động đưa chổi than về vị trí an toàn khi xảy ra tình trạng mất điện. Sau đó, khi có điện trở lại thì ổn áp có mạch trễ khoảng 5 giây giúp ổn định điện áp trước khi cấp tải điện áp đầu ra.
Nâng cao tuổi thọ các thiết bị điện
Nhờ trang bị CB đảo chiều, máy ổn áp có thể ổn định điện áp đầu vào thấp hoặc cao, để các thiết bị điện sử dụng điện áp ổn định hơn, góp phần nâng cao tuổi thọ cho những thiết bị điện này trong quá trình sử dụng.
4 Cách chọn ổn áp dùng cho gia đình
Thực tế, ổn áp không sinh ra năng lượng nhưng đây là thiết bị giúp cải thiện điện áp đầu ra phù hợp với thiết bị điện sử dụng như máy giặt, tivi, tủ lạnh, máy lạnh, quạt điều hòa,… Vì thế, khi chọn ổn áp cho gia đình, bạn cần xác định những yếu tố sau:
- Với các thiết bị điện có công suất nhỏ, thì nên chọn ổn áp có công suất nhỏ hoặc dải điện áp thường 150V - 250V, không cần phải chọn dải điện áp rộng (90V - 250V hoặc 50V - 250V) để tránh tốn thời gian chọn công suất điện áp đầu ra phù hợp với thiết bị điện.
- Với các thiết bị điện có công suất lớn, thì nên chọn ổn áp có công suất lớn để đảm bảo máy ổn áp hoạt động ổn định, không bị quá tải và giữ cho điện áp đầu ra được ổn định.
Ngoài ra, để tránh tình trạng sụt áp, bạn cũng nên chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với công suất của máy ổn áp như:
- Tiết diện dây dẫn tối thiểu 1 mm2: Phù hợp công suất ổn áp 1 KVA.
- Tiết diện dây dẫn tối thiểu 25 mm2: Phù hợp công suất ổn áp 2 KVA.
- Tiết diện dây dẫn tối thiểu 4 mm2: Phù hợp công suất ổn áp 3 KVA.
- Tiết diện dây dẫn tối thiểu 6 mm2: Phù hợp công suất ổn áp 5 KVA.
- Tiết diện dây dẫn tối thiểu 11.5 mm2: Phù hợp công suất ổn áp 10 KVA.
5 Những lưu ý khi sử dụng ổn áp
Khi sử dụng ổn áp, bạn cần lưu ý thêm một số vấn đề nhằm giúp cho máy hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn điện khi sử dụng như sau:
- Lựa chọn tiết diện dây dẫn vào - ra phù hợp với công suất máy, tránh được tình trạng dây bị nóng và bị sụt áp.
- Tránh đặt máy ở nơi có nước và lựa chọn vị trí đặt thoáng mát, giúp cho ổn áp tỏa đều nhiệt và đảm bảo an tòan về điện cho người sử dụng.
- Nên nối dây tiếp đất cho máy để đảm bảo an toàn, giúp máy vận hành tốt và không gây hiện tượng chập cháy, điện giật cho người dùng.
- Bắt chặt các đầu dây vào jack cắm, tránh hiện tượng dịch chuyển gây ra nhiệt.
Như vậy, với những chia sẻ phía trên, bạn đã biết được vì sao phải dùng ổn áp cũng như biết được 5 lý do nên mua ổn áp cho nhu cầu sắp tới của gia đình bạn rồi nhé!