Máy giặt bị cặn bẩn là hiện tượng không ít người sử dụng gặp phải. Khi bỏ áo quần vào giặt không những không làm sạch mà còn khiến áo quần dơ hơn. Cùng Điện máy XANH xem qua cách khắc phục máy giặt bị cặn bẩn trong bài viết sau nhé!
1Nguyên nhân máy giặt bị cặn bẩn
Túi lọc xơ vải và cặn bẩn của máy giặt bị rách hoặc dơ
Túi lọc xơ vải có chức năng ngăn không cho các sợi lông, vải của áo quần lọt vào trong đường ống dẫn nước khiến ống bị tắc nghẽn. Hơn nữa, nó còn giúp làm sạch lớp bụi bẩn bám trên trang phục khi giặt sạch.
Nếu túi bị rách hoặc dơ thì các cặn bẩn và xơ vải sẽ không được lọc sạch hoàn toàn. Như vậy, chúng sẽ vừa bám vào quần áo vừa bám vào thành lồng giặt.
Máy giặt sử dụng lâu ngày không vệ sinh
Nếu sau một khoảng thời gian dài sử dụng, bạn không vệ sinh máy giặt sẽ dễ khiến cho vi khuẩn và các chất dơ còn sót lại từ áo quần bám vào lồng máy.
Cứ như thế, ở những lần giặt tiếp theo, những vi khuẩn, bụi bẩn từ lồng máy giặt sẽ bám ngược lại lên đồ đạc. Tình trạng này không chỉ khiến áo quần không được làm sạch mà còn dơ hơn sau khi giặt.
Các tạp chất chứa trong quần áo
Người dùng thường có thói quen bỏ các vật dụng vào trong túi quần áo, nhưng lại quên lấy ra trước khi giặt. Một khi máy hoạt động sẽ khiến cho các tạp chất đó bị nghiền nát và phân ra thành nhiều mảnh nhỏ.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến máy bị cặn bẩn, những tạp chất này sẽ bám vào trong lồng giặt, ống thoát nước và khi bỏ đồ vào giặt, chúng sẽ dính trên vải.
2Cách khắc phục máy giặt bị cặn bẩn
Vệ sinh lồng giặt
Dùng giấm vệ sinh lồng giặt
- Bước 1: Lấy hết áo quần còn sót trong máy giặt ra, xả nước mức cao nhất. Tiếp tục, bạn dùng khoảng 300ml giấm đổ vào máy rồi ngâm từ 1 - 2 tiếng.
- Bước 2: Dùng bàn chải để chà các bộ phận bên trong (lỗ thoát nước, thành máy giặt,..)
- Bước 3: Xả hết nước đang có trong máy, đổ ít dung dịch Javen vào trong thùng giặt rồi tiếp tục đợi khoảng 1 - 2 tiếng.
- Bước 4: Cho máy chạy bình thường theo đúng 1 quy trình giặt.
Dùng chất tẩy rửa chuyên dụng để vệ sinh lồng giặt
- Bước 1: Xả nước nóng ở chế độ cao nhất.
- Bước 2: Cho bột giặt chuyên dụng vào trong máy giặt rồi ngâm khoảng tầm 2 tiếng.
- Bước 3: Bật máy giặt theo đúng 1 quy trình giặt để đảm bảo máy được làm sạch hoàn toàn.
Dùng baking soda và chanh vệ sinh lồng giặt
- Bước 1: Hòa tan nước cốt chanh cùng baking soda và nước để tạo thành hỗn hợp.
- Bước 2: Dùng khăn mềm thấm hỗn hợp trên vệ sinh nhẹ nhàng lồng máy giặt, có thể giữ nguyên như vậy khoảng 30 phút.
- Bước 3: Tiếp đến bạn hãy bật chế độ xả nước ở mức cao nhất để các vết bẩn bấm trong máy hoàn toàn được loại sạch.
Vệ sinh khay đựng bột giặt và nước xả
Khay đựng bột giặt và nước xả là nơi rất dễ bám cặn bẩn, nếu như trong thời gian dài sử dụng bạn không thường xuyên vệ sinh chúng, rất dễ khiến cho máy giặt bị dính cặn bẩn làm cho áo quần không được giặt sạch. Tốt nhất bạn nên vệ sinh định kỳ 2 lần/tuần.
Các bước vệ sinh đơn giản như sau:
- Bước 1: Lấy hết áo quần có trong máy giặt ra.
- Bước 2: Bật chế độ xả nước để làm sạch cặn bẩn có bên trong trong nó, tiếp đến bạn hãy dùng khăn mềm lau khô lại là hoàn tất.
3Một số lưu ý nhằm hạn chế tình trạng đóng cặn
Để giữ cho máy giặt không bị bám nhiều cặn bẩn bên cạnh việc vệ sinh máy định kỳ, người dùng nên lưu ý một số vấn đề sau:
Lựa chọn nước giặt và xả vải phù hợp
Chọn nước giặt và xả vải không phù hợp rất dễ xảy ra tình trạng áo quần bị dính cặn xà phòng. Vì nếu xà phòng bạn cho vào giặt bị vo tròn hoặc vón cục, có thể chúng sẽ không bị làm tan. Vì thế, tốt nhất bạn nên dùng nước giặt và xả vải chuyên dụng cho máy giặt.
Sử dụng đúng lượng bột giặt, nước xả và quần áo theo hướng dẫn của hãng
Khi sử dụng bột giặt hoặc nước xả vải bạn cần dựa vào hướng dẫn của nhà sản xuất để canh và cho đúng với lượng quần áo. Nếu cho quá nhiều bột giặt sẽ dễ dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn lỗ thoát nước của máy giặt. Trung bình, bạn nên dùng 1 - 2 nắp nước xả cho 8 - 10 chiếc quần áo, ngâm trong 15 phút.
Tùy theo chất liệu vải mà bạn có thể tăng giảm lượng nước xả. Nếu chất liệu vải dày như jean, len, áo khoác,... thì nên cho nhiều hơn còn chất liệu vải mỏng, quần áo em bé,... thì chỉ nên sử dụng 1 nắp là đủ.
Kiểm tra lại áo quần trước khi cho vào máy giặt
Nhằm hạn chế tối đa việc còn sót các tạp chất, đặc biệt là giấy tờ, hóa đơn,... trong túi khiến cho máy giặt đóng cặn sau những lần giặt, bạn nên kiểm tra lại áo quần trước khi cho vào máy.
Nếu không kỹ lưỡng, rất có thể sẽ còn sót lại các mảnh giấy và khi bỏ vào sẽ khiến giấy vụn này bám đầy lồng giặt.
Điện máy XANH vừa cung cấp đến bạn nguyên nhân và cách khắc phục máy giặt bị cặn bẩn dễ dàng và nhanh chóng. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc sử dụng máy giặt. Mọi thắc mắc hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nhé!